winandoffice.net
Hacklink Satın Al
z-lib
Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10

Chi tiết tin

Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức

Với vai trò là chủ thể trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu cải cách hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức cần được bồi dưỡng thường xuyên về công tác cải cách hành chính. Bài viết đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian tới.


Ảnh: Mạnh Quân

Ý nghĩa của việc bồi dưỡng về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức

Việc triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2010-2020 và bước đầu giai đoạn 2021-2030 đã giúp nền hành chính nước ta có những chuyển biến rõ rệt. Theo đó, Việt Nam đã bước đầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm chi phí và thời gian của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính được rà soát, tinh gọn, công khai, minh bạch từ Trung ương đến địa phương; bộ máy hành chính nhà nước các cấp bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống hành chính được nâng cao; công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều đổi mới; cải cách tài chính công đạt được kết quả tích cực; tăng tính hiệu quả của chi tiêu công; tiến hành áp dụng mô hình một cửa, một cửa điện tử, một cửa liên thông hiện đại. Từng bước cải thiện mức độ hài lòng, tăng lòng tin của người dân đối với cơ quan hành chính; tăng sự tin tưởng, tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục vụ của chính quyền các cấp, qua đó tạo ra những động lực mạnh mẽ, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế, như: “Nhận thức, tư duy về quản lý hành chính nhà nước trong một bộ phận cán bộ, công chức chậm được đổi mới, chưa thấy được hết ý nghĩa, tầm quan trọng và đòi hỏi cấp bách của cải cách thủ tục hành chính”(1). Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, hướng tới mục tiêu “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước” (2), việc bồi dưỡng về cải cách hành chính là rất cần thiết nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp cải cách hành chính của giai đoạn 2021-2030, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, để chuyển hóa, lồng ghép vào quá trình thực thi công vụ cụ thể, trên cơ sở đó nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quá trình bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức được hoàn thiện, đảm bảo thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAX INDEX), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)...

Thực trạng bồi dưỡng về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay

Việc bồi dưỡng về cải cách hành chính cho cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay đang được tiến hành trên hai hướng, đó là:

Thứ nhất, bồi dưỡng về cải cách hành chính đối với cán bộ, công chức nói chung.

Cán bộ, công chức dù ở chức vụ, chức danh, vị trí nào đều cần nắm được nội dung về cải cách hành chính. Vì vậy, trong các chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp đều có các chuyên đề cơ bản và chuyên sâu về cải cách hành chính dưới dạng chuyên đề kiến thức chung và chuyên đề báo cáo thực tiễn. Với các chương trình bồi dưỡng theo chức danh, như chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện, cấp sở, cấp vụ đều có chuyên đề chuyên sâu hoặc có nội dung lồng ghép về cải cách hành chính, được xây dựng phù hợp với từng đối tượng bồi dưỡng.

Ngoài ra, với các chương trình bồi dưỡng khác, nội dung về cải cách hành chính được đưa vào đã giúp cán bộ, công chức thường xuyên nắm vững các quan điểm, mục tiêu của Chính phủ về công tác cải cách hành chính nhà nước; nắm vững các nội dung, nhiệm vụ chính của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, trong các chương trình bồi dưỡng cũng có những báo cáo chuyên đề về thực tiễn cải cách hành chính của các báo cáo viên dày dặn kinh nghiệm thực tiễn. Nhờ đó, cán bộ, công chức tham gia các khóa bồi dưỡng còn được cập nhật các thông tin về thực trạng cải cách hành chính của ngành, địa phương đang công tác, sinh sống, có điều kiện liện hệ, vận dụng vào công việc của bản thân, phục vụ cho quá trình thực thi công vụ cũng như hoạt động cải cách hành chính của cơ quan, ngành, địa phương mình. Với đặc thù là khóa bồi dưỡng phổ biến, nên phần lớn cán bộ, công chức đều có kiến thức cơ bản, nền tảng về cải cách hành chính, phục vụ công việc. Tuy nhiên, những chứng chỉ này có giá trị vĩnh viễn nên các công chức chỉ tham gia bồi dưỡng một lần đối với mỗi chương trình, trong khi nội dung về cải cách hành chính cần phải được cập nhật thường xuyên, nếu không sẽ dần mai một và lạc hậu so với yêu cầu thực tiễn. Còn các khóa bồi dưỡng ngắn hạn lại phụ thuộc khá nhiều vào ngân sách cũng như kế hoạch bồi dưỡng nên cũng chưa đảm bảo được yêu cầu thường xuyên, chất lượng, hiệu quả cao như mục tiêu đề ra.

Thứ hai, bồi dưỡng về cải cách hành chính đối với công chức chuyên trách cải cách hành chính.

Đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về cải cách hành chính thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nội dung bồi dưỡng cho đối tượng này được tiến hành chuyên sâu, hệ thống.

Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng quy định rõ, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ “hàng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và đảm bảo cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương”(3). Triển khai nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ đã ban hành Bộ tài liệu bồi dưỡng công chức thực hiện công tác cải cách hành chính cấp huyện và tài liệu bồi dưỡng công chức thực hiện công tác cải cách hành chính cấp tỉnh, Chương trình bồi dưỡng công chức chuyên trách cải cách hành chính. Việc bồi dưỡng nhằm trang bị, cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết về cải cách hành chính; tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu tham mưu, hướng dẫn triển khai, theo dõi công tác cải cách hành chính.

Bên cạnh kiến thức nền tảng, công chức chuyên trách cải cách hành chính được tham dự bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ cải cách hành chính, về kỹ năng xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính; có khả năng hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai công tác cải cách hành chính của cơ quan; kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính; triển khai hệ thống theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính; kỹ năng xây dựng báo cáo thực hiện công tác cải cách hành chính định kỳ và đột xuất của đơn vị; nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính; nghiệp vụ khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Những mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ như: giải pháp nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; mô hình chứng thực 4.0; liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhận hồ sơ tại xã đối với thủ tục hành chính cấp huyện và trả kết quả tận nhà qua dịch vụ bưu chính công ích; kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành… được trao đổi, chia sẻ, học tập, vận dụng phù hợp tại cơ quan, địa phương mình.

Các khóa bồi dưỡng này có tính chuyên sâu, gắn với vị trí việc làm, nhưng đối tượng học viên khá cố định, số lượng không nhiều. Báo cáo của Bộ Nội vụ về sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 01/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025 nhấn mạnh: “Trong thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nặng về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhẹ về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước. Thời gian học tập còn dài, nặng về trang bị những bài học lý luận, thiếu thực tiễn, chưa chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, khả năng thực hành, xử lý tình huống và yếu về đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm”.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch, sử dụng công chức, chưa nhận thức toàn diện rằng hoạt động bồi dưỡng là công cụ quan trọng nâng cao chất lượng và năng lực thực thi công vụ; nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, hình thức đánh giá chưa thật sự phù hợp. Việc bổ sung, cập nhật chương trình bồi dưỡng về cải cách hành chính còn chậm, nhất là những xu hướng, kinh nghiệm, mô hình của nước ngoài. Bên cạnh đó, động cơ của một số học viên còn chưa đúng đắn, mục tiêu khi tham gia các khóa bồi dưỡng đôi khi mới dừng lại ở việc có đủ chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, chưa phải nâng cao năng lực để thực hiện tốt hơn công việc được giao; hoạt động quản lý bồi dưỡng cũng còn có những bất cập; nguồn lực, cơ sở vật chất và các trang thiết bị máy móc để tổ chức các khóa bồi dưỡng về cải cách hành chính còn chưa được đầu tư đúng mức…

Một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian tới

Để công tác bồi dưỡng cải cách hành chính đối với cán bộ, công chức thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, đổi mới tư duy trong công tác bồi dưỡng về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Bồi dưỡng về cải cách hành chính cần chuyển sang hướng phát triển năng lực trên cơ sở khung năng lực của công chức với kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện công việc. Cần dựa vào khung năng lực của vị trí việc làm công chức chuyên trách về cải cách hành chính để xác định đúng đối tượng, xây dựng đúng chương trình bồi dưỡng. Đối chiếu khung năng lực yêu cầu với năng lực thực tế của công chức sẽ dễ dàng nhận thấy những khoảng trống về kiến thức, kỹ năng, hành vi, thái độ cần phải bổ sung, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại cũng như phát triển trong tương lai. Tư duy mới là vị trí việc làm đòi hỏi tiêu chuẩn gì thì bồi dưỡng để đáp ứng; bối cảnh cải cách hành chính trong giai đoạn mới yêu cầu công chức có những kiến thức, kỹ năng và thái độ như thế nào thì bồi dưỡng để hoàn thiện. Vì vậy, học viên cần tăng tính chủ động, có động cơ học tập đúng đắn, tích cực, có tâm thế sẵn sàng và chuyên nghiệp trong tham gia bồi dưỡng.

Hai là, đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức về cải cách hành chính.

Nội dung bồi dưỡng cần có “tính mở”, tức là bên cạnh những kiến thức, kỹ năng chung làm nền tảng thì cần thiết kế nhiều chuyên đề tự chọn với nội dung đa dạng để người học hoặc cơ sở đào tạo lựa chọn nhằm thiết kế chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng học viên nhất định. Do đó, các chương trình bồi dưỡng sẽ có thể đáp ứng được yêu cầu phong phú hơn, thiết thực hơn của học viên. Chương trình bồi dưỡng phải được xây dựng để đáp ứng yêu cầu bổ sung kiến thức, kỹ năng mà công chức còn thiếu, còn yếu, giúp tăng cường năng lực của công chức trong thực thi công vụ, gắn với nội dung cải cách hành chính. Bổ sung nhiều chuyên đề kỹ năng cụ thể cũng như các chuyên đề báo cáo thực tiễn về cải cách hành chính. Cơ cấu hợp lý quy trình và thời lượng tiến hành phần giảng dạy, thảo luận, tự nghiên cứu và tham khảo thực tế. Nội dung chương trình, tài liệu phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế.

Ba là, áp dụng các quy trình, phương pháp tiên tiến, hiện đại trong quản lý bồi dưỡng.

Cần đa dạng hóa các phương thức bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức. Bồi dưỡng công chức cần được đổi mới về quy trình, phương pháp tiên tiến, linh hoạt; không chỉ được tiến hành trong các khóa học chính thức mà có thể thực hiện thông qua hướng dẫn, thực hành tại cơ quan, đơn vị, thông qua trao đổi, học tập kinh nghiệm và các khóa học tập trung ngắn hạn, tránh mang nặng tính hành chính.

Bên cạnh đó, cần sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, lấy học viên làm trung tâm. Phương pháp chủ yếu là hướng dẫn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm công tác, cùng bàn bạc, thảo luận, gợi mở tư duy, rèn luyện kỹ năng, củng cố thái độ, tăng cường phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của học viên. Thảo luận nhóm, đối thoại giữa giảng viên và học viên, làm bài tập, xử lý tình huống, nghe báo cáo, khảo sát thực tế... là các phương thức có thể kết hợp để sử dụng linh hoạt nhằm phát huy trí tuệ và sự năng động của học viên, gắn kết người học với bài giảng, bởi họ là những người làm thực tiễn. Thay vì đơn thuần cung cấp kiến thức, cần rèn luyện tư duy, kỹ năng cho học viên, giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống về cải cách hành chính trong thực tiễn.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về cải cách hành chính.

Cần kết hợp giữa bồi dưỡng về cải cách hành chính ở trong và ngoài nước cho cán bộ, công chức. Tận dụng các cơ hội để các khóa bồi dưỡng có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý ở những nước có nền hành chính phát triển trực tiếp giảng dạy; tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế ở nước ngoài sau khi được học tập các kiến thức ở trong nước, để họ có thể hình dung đầy đủ hơn và vận dụng các bài học vào thực tiễn công việc; tiếp thu những phương pháp, mô hình mới trong cải cách hành chính tiên tiến và thành công tại một số quốc gia trên thế giới vào thực tiễn công việc của bản thân nói riêng và nền hành chính Việt Nam nói chung./.

------------------------------

Ghi chú:

(1) Chính phủ, Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.

(2), (3) Chính phủ, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

 TS. Phùng Thị Phong Lan - Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ

Theo: https://tcnn.vn/

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: