Sáng ngày 17.5, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2015, bàn giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Quảng Nam.
Quang cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện: Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo các Ban của Tỉnh ủy; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các Ban HĐND tỉnh; Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh; Văn phòng HĐND tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam; Bưu điện tỉnh Quảng Nam; thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo Văn phòng các cơ quan, đơn vị; Bí thư, Chủ tịch UBND và đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ, Văn phòng HĐND&UBND các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đồng chủ trì Hội nghị.
Đ/c Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đ/c Đinh Văn Thu, PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đinh Văn Thu nhấn mạnh trong những năm qua, công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản trị, hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được các cấp, các ngành trong tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành góp phần thực hiện, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh công bố hàng năm được tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm, xem đây là thước đo quan trọng, khách quan nhất đánh giá chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền cấp tỉnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, phân tích các chỉ số PCI và PAPI tại hội nghị
Theo kết quả công bố PCI năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉnh Quảng Nam đạt 61,08 điểm, tăng 1,09 điểm so năm 2014 và xếp hạng 8/63, tăng 6 bậc so năm 2014. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những hạn chế thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh năm 2015. Đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh, qua kết quả khảo sát điều tra trong năm qua cho thấy doanh nghiệp cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn một số mặt chưa tốt. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; quyết tâm nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy hành chính; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.
Đ/c Nguyễn Hữu Sáng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng đã thông qua Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Tỉnh uỷ về công tác cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016-2020, Báo cáo xác định Chỉ số cải cách hành chính Sở, ngành, địa phương năm 2015, phân tích chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2015.
Theo báo cáo, Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của tỉnh uỷ về cải cách hành chính, UBND tỉnh đã đưa ra 6 mục tiêu chung và cụ thể cần thực hiện trong 5 năm tới và 49 nhiệm vụ lớn trên 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trong đó có một số nhiệm vụ được kế thừa ở giai đoạn 2011-2015.
Cũng theo báo cáo kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính Sở, ngành, địa phương năm 2015, trên cơ sở báo cáo tự chấm điểm của các cơ quan, đơn vị cùng với kết quả điều tra xã hội học, kết quả chỉ số cải cách hành chính đạt được của Sở, ngành tập trung vào 3 nhóm điểm, bao gồm:
- Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%, gồm các Sở, ngành: Công Thương, Thông tin và Truyền thông và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
- Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 70% đến dưới 80%, có 14 Sở, ngành, gồm: Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Ngoại vụ, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân tộc, Thanh tra tỉnh.
- Nhóm thứ ba, có kết quả chỉ số cải cách hành chính dưới 70%, có 5 Sở, ngành, gồm: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc và Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai.
Kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính của các huyện, thị xã, thành phố được chia 4 nhóm điểm:
- Nhóm thứ nhất, đạt Chỉ số cải cách hành chính trên 80%: thành phố Tam Kỳ;
- Nhóm thứ hai, đạt Chỉ số cải cách hành chính từ 70% đến dưới 80%, bao gồm 7 huyện, thị xã, thành phố: Điện Bàn, Hội An, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn.
- Nhóm thứ ba, đạt Chỉ số từ 60% đến dưới 70%, bao gồm 7 huyện: Tiên Phước, Quế Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Phú Ninh, Phước Sơn.
- Nhóm thứ tư, đạt chỉ số dưới 60%, có 3 huyện Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My.
Tại Hội nghị, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phân tích đánh giá về Chỉ số PCI tỉnh Quảng Nam năm 2015 và một số khuyển nghị để duy trì, nâng cao Chỉ số PCI trong những năm đến.
Báo cáo tham luận tại hội nghị, thành phố Tam kỳ, Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã nêu những vấn đề đạt được và kinh nghiệm trong triển khai cải cách hành chính thời gian qua.
Đ/c Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị
Hội nghị đã nghe ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy đối với quan điểm, nguyên tắc triển khai thực hiện, theo đó, tỉnh cần triển khai thực hiện cải cách hành chính từ trên xuống, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện đó là rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; gắn kết thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Đ/c Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh xác định các mục tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh đề ra rất khó khăn, phức tạp, cần phải được thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của tỉnh vào kế hoạch triển khai của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện ngay. Đồng thời, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, các nhóm giải pháp nâng cao chỉ số PCI và PAPI đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Tiến hành tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, rộng rãi đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức thiết thực, sinh động.
2. Căn cứ Báo cáo kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2015, phân tích, đánh giá để tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, biện pháp cần thiết trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hằng năm để nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cải cách hành chính, qua đó cải thiện Chỉ số cải cách hành chính của đơn vị, địa phương.
3. Khẩn trương thực hiện việc rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính, đề xuất phương án cắt giảm giấy tờ, hồ sơ, rút ngắn thời gian và quy trình phối hợp giải quyết thủ tục để bảo đảm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
4. Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp cụ thể đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, bảo đảm kết quả thiết thực, gắn với những vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tiễn; có biện pháp thích hợp nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
5. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để rút ngắn thời gian tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
6. Hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, triển khai đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức theo chức danh, vị trí việc làm, làm căn cứ quan trọng để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hàng năm.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cải cách hành chính tại các đơn vị, địa phương.
Phòng Cải cách hành chính và Văn phòng Sở