Ghi nhận và đánh giá cao công tác triển khai, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong thời gian qua, nhất là các thành viên trong Tổ giúp việc BCĐ như Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, địa phương đạt được những kết quả nhất định; nhận thức về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng; công tác ủy quyền trong quản lý nhà nước được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, khó khăn như tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cấp huyện còn cao, lĩnh vực đất đai còn nhiều vướng mắc gây bức xúc cho người dân; tiếp nhận, số hóa hồ sơ TTHC tại Bộ phận Một cửa, nhất là UBND cấp xã chưa đầy đủ; cán bộ, công chức giải quyết TTHC của các phòng, ban chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cập nhật đầy đủ tiến độ, kết quả giải quyết TTHC bản điện tử vào Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (Hệ thống); một số yêu cầu nghiệp vụ, chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống chưa đáp ứng quy định; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở một số đơn vị, địa phương còn thấp...
Kết luận cuộc họp UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới tập trung triển khai thực hiện rà soát, bổ sung các TTHC được công bố, công khai, có sự điều chỉnh, thường xuyên cập nhập trên hệ thống và công khai minh bạch thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 57-NQ/HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 16/01/2023 của UBND tỉnh. Các ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, trình thẩm định, phê duyệt đề cương để triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin theo Kế hoạch và đề án trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 cho các đơn vị còn lại, trong đó nâng dần tỷ lệ tự chủ của các đơn vị. Khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn các chương trình, ứng dụng Egov Quảng Nam, SMART Quảng Nam, IOC, các ứng dụng có tính năng thống kê theo dõi số liệu, đánh giá tiến độ giải quyết thông qua bản đồ thể chế điện tử và phục vụ vào công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch số 4872/KH-UBND ngày 25/7/2023 về Nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Quảng Nam năm 2023 để tăng tỷ lệ nộp, giải quyết hồ sơ trực tuyến, chú trọng vào các TTHC phát sinh nhiều hồ sơ; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, chú trọng số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực.
UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từ còn lại của năm 2023 và cũng phê bình một số sở, ngành, địa phương còn có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Văn phòng HĐND&UBND huyện thường xuyên thống kê, báo cáo số liệu hồ sơ trễ hạn trên Hệ thống; đôn đốc các ngành, UBND cấp xã nhập đầy đủ hồ sơ vào Hệ thống, tăng tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn ít nhất 95%; hằng tháng nghiêm túc phê bình, công khai các phòng, ban, đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao.
Tin: Trần Trung Kiên - Trưởng Phòng Cải cách hành chính – Sở Nội vụ