UBND tỉnh đã phân cấp cho các Sở Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi, lĩnh vực công chứng, thừa phát lại, giám định tư pháp, đấu giá trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2022, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách năm 2022-2025 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách (Trung ương, tỉnh, huyện, xã); Định mức phân bổ chi hoạt động sự nghiệp y tế. Phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập và phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với tài sản công. Lĩnh vực Giao thông, vận tải Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kết thúc ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải Quảng Nam thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thủy nội địa và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa. Lĩnh vực kiến trúc thực hiện phân cấp, ủy quyền lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Nội dung UBND tỉnh phân cấp cho huyện, thị xã, thành phố trên các lĩnh vực công chức, viên chức như Quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có); Ban Giám sát kỳ tuyển dụng viên chức; Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức do Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh tổ chức; Quyết định tuyển dụng viên chức sau khi có quyết định công nhận kết quả trúng tuyển; Quyết định hủy quyết định tuyển dụng viên chức đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật; Quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức, tiếp nhận vào làm viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý. Lĩnh vực quản lý chất lượng công trình, phân cấp cho UBND cấp huyện: Thực hiện công tác quản lý chất lượng xây dựng theo phân cấp đối với các công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng do cấp huyện, cấp xã quản lý, dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng do cấp tỉnh quản lý được giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư; công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn. Lĩnh vực lưu thông hành hóa trong nước, phân cấp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; cụ thể: phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nội dung trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước về việc tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của các thương nhân thuộc danh sách do Ủy ban nhân dân tỉnh công bố.
Nội dung nhiệm vụ Sở phân cấp cho huyện, thị xã, thành phố trên lĩnh vực quản lý tàu cá (Phân cấp quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ). Lĩnh vực chăn nuôi, thú y (Phân cấp nhiệm vụ kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô nhỏ). Lĩnh vực quản lý viên chức Quyết định bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng III trở xuống, các chức danh tương đương chuyên viên trở xuống và chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, giáo viên tiểu học hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng II. Quyết định chuyển xếp chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II trở xuống và các chức danh tương đương chuyên viên chính trở xuống sau khi có ý kiến của Giám đốc Sở Nội vụ. Quyết định phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức đối với trường hợp văn bản pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của người đứng đầu Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.”
Nhìn chung, qua gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, các ngành, các cấp đã quán triệt quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phân cấp mạnh công tác quản lý cho các sở, các huyện, thị xã, thành phố; đặc biệt ủy quyền tối đa những thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho các Sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền đã góp phần thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn quy trình, giảm trung gian, giảm thủ tục và thời gian, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đề cao vai trò quản lý trực tiếp của cơ quan chuyên môn và cấp chính quyền huyện, xã. Việc phân cấp, ủy quyền gắn với giảm thủ tục hành chính, không phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế.
Bên cạnh đó công tác phân cấp gặp không ít khó khăn vướng mắc như một số nội dung phân cấp, do quy định của pháp luật chuyên ngành, cần phải xin ý kiến của các cơ quan Trung ương và thực hiện quy trình của Luật ban hành văn bản QPPL nên thời gian tham mưu ban hành Quyết định quy phạm về phân cấp mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến. Các sở, ngành, địa phương thiếu sự chủ động trong thực hiện phân cấp và nhận phân cấp; tâm lý sợ áp lực công việc mới, sợ sai…một số trường hợp đã phân cấp, ủy quyền nhưng chưa có sự hỗ trợ, chuẩn bị về cơ sở vật chất, tài liệu, biểu mẫu nên gây lúng túng trong triển khai thực hiện. Trong bối cảnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021, các cơ quan, đơn vị nói chung và UBND huyện, thị xã, thành phố nói riêng đều phải tích cực thực hiện các giải pháp về cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ nhân lực.
Tin: Trần Trung Kiên - Trưởng Phòng Cải cách hành chính – Sở Nội vụ