Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10

Chi tiết tin

Kết quả triển khai, thực hiện dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên địa bàn tỉnh năm 2022

Thực hiện Kế hoạch số 2693/KH-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai dịch vụ công chức thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, để hoàn thành việc triển khai thực hiện chứng thực điện tử trên địa bàn tỉnh trong theo đúng tiến độ

Trong năm 2022, Sở Tư pháp đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện và hoàn thành việc phân quyền tài khoản chứng thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho cán bộ, công chức trực tiếp tham gia vào quy trình trước ngày 15/12/2022. Đồng thời tổ chức tập huấn một số nội dung liên quan đến chứng thực điện tử (tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công, hướng dẫn ký số) cho đối tượng là công chức tư pháp của Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - hộ tịch của UBND cấp xã (05 lớp). Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn chứng thực điện tử cho các cơ quan thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh.

Về phía Phòng Tư pháp cấp huyện đã hoàn thành triển khai chứng thực điện tử theo đúng lộ trình; tích cực đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã trong việc thực hiện chứng thực điện tử. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, cán bộ, công chức biết về lợi ích và quy trình thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhờ đó mà người dân hiểu ý nghĩa và tăng nhu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Kết quả trong năm 2022, 234/259 cơ quan thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh (chiếm 90,34%) đã cơ bản đáp ứng các điều kiện để triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo đúng tiến độ tại Kế hoạch số 2693/KH-UBND. Trên toàn tỉnh đã thực hiện chứng thực 3.332 bản sao điện tử từ bản chính (811 bản tại cấp huyện, 2.521 bản tại cấp xã) (Số liệu tính đến ngày 20/12/2022). 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chứng thực điện tử trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn cụ thể sau:

- Vẫn còn 18 xã, thị trấn (05 xã thuộc huyện Tây Giang, 12 xã, thị trấn thuộc huyện Nam Giang, 01 xã thuộc huyện Đông Giang - chiếm 6,94 % tổng số cơ quan thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh) chưa được phân quyền tài khoản đầy đủ để triển khai chứng thực điện tử. Nguyên nhân là do cán bộ, công chức chưa đăng ký được tài khoản cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vì thuê bao di động không chính chủ. 

- Có 20/259 (Chiếm 7,72 %) cơ quan thực hiện chứng thực (đều là UBND cấp xã) chưa đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện dịch vụ công chức thực bản sao điện tử. Đa số các máy quét văn bản thực hiện chứng thực điện tử taị các cơ quan thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh đều là máy bố trí sử dụng chung cho nhiều nhiệm vụ tại địa phương.

- Nhiều cán bộ, công chức tham gia vào quy trình thực hiện chứng thực ở cả Phòng Tư pháp và UBND cấp xã vẫn chưa được tập huấn quy trình thực hiện nên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, xử lý quy trình chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các địa phương chậm tiến độ triển khai chứng thực điện tử đều là các xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi, đa số cán bộ, công chức tham gia quy trình hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nên việc hướng dẫn đăng ký tài khoản, phân quyền cũng như thao tác quy trình chứng thực điện tử trên Cổng dịch vụ công gặp nhiều khó khăn.

- Nhiều địa phương thường xuyên có sự thay đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức tham gia thực hiện chứng thực bản sao điện tử (nhất là vị trí công chức Tư pháp – hộ tịch) nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ này (phải thực hiện phân quyền lại, cần có thời gian để tiếp cận thực hiện…)

- Đối với tài khoản của Sở Tư pháp, tài khoản của UBND cấp huyện chỉ thống kê được tổng số trường hợp chứng thực bản sao điện tử trên địa bàn tỉnh hoặc địa bàn huyện, thị xã, thành phố mà không thống kê được cụ thể số liệu của từng địa phương nên khó khăn trong việc theo dõi, quản lý, đối chiếu số lượng chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mà các địa phương đã báo cáo.

- Đường truyền mạng trên địa bàn tỉnh không ổn định, đặc biệt là tại các huyện miền núi gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện chứng thực điện tử trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục tồn tại và tháo gỡ những khó khăn nói trên, Sở Tư pháp đã có đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan có liên quan nhằm chỉ đạo hoàn thành việc triển khai và thực hiện có hiệu quả, nâng cao số lượng chứng thực bản sao điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong những năm tới./.

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

Tin đọc nhiều











CỔNG TTĐT CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Số 268 Trưng Nữ Vương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập